Quân đội Trung Quốc được đánh giá có sức mạnh hàng đầu thế giới, với lực lượng tăng - thiết giáp đông đảo và cực kỳ nguy hiểm.
1. Type-99A2 MBT
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99 được xem như một thiết kế dựa trên T-72 của Nga, chúng tương đồng ở phần thân và pháo chính 125 mm trang bị hệ thống nạp đạn tự động, tuy nhiên tháp pháo Type-99 lại mang hơi hướng của M1 Abrams.
Type-99 có trọng lượng 55 tấn với trái tim là động cơ diesel 1.500 mã lực, xe được nâng cấp kính ngắm ảnh nhiệt thế hệ 2,5, hệ thống điều khiển hỏa lực mới rất tiên tiến cho phép phát huy tối đa tầm bắn của tên lửa chống tăng phóng qua nòng. Ngoài ra, xe còn được lắp giáp phản ứng nổ tương tự như Relikt của T-90A.
Trung Quốc tự tin tuyên bố, Type-99 là "Vua xe tăng" tại châu Á, có sức mạnh tấn công lẫn phòng thủ vượt trội hoàn toàn những đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
2. Type-96A MBT
Type-99 mặc dù rất hiện đại, nhưng do giá thành chế tạo quá đắt đỏ nên xe tăng thế hệ trước Type-96A vẫn giữ vị trí xương sống của lực lượng tăng - thiết giáp Trung Quốc.
So với Type-96, Type-96A đã được nâng cấp cả về hệ thống điều khiển hỏa lực (giúp tối ưu hóa sức mạnh của khẩu pháo 125 mm) lẫn phòng vệ với các tấm giáp được gắn bổ sung phía trước tháp pháo và mũi xe.
Xạ thủ được trang bị thiết bị ngắm ảnh nhiệt ban ngày mới, một hệ thống gây nhiễu laser/ hồng ngoại do Trung Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu Shtora-1 của Nga cũng được nhìn thấy trên Type-96A.
3. Pháo tự hành Type-05/ PLZ-05
Pháo tự hành Type-05 (phiên bản xuất khẩu là PLZ-05) được Trung Quốc thiết kế với cỡ nòng 155 mm chuẩn phương Tây thay vì 152 mm truyền thống theo hệ Nga. Type-05 có hệ thống nạp đạn tự động tương tự như Msta-S của Nga, bắn được những viên đạn có điều khiển với động cơ rocket tăng tầm đi xa 53 km.
4. Pháo tự hành Type-07/ PLZ-07
Pháo tự hành Type-07/ PLZ-07 sử dụng thân xe của pháo tự hành PLZ-45 155 mm nhưng lại gắn pháo chính cỡ nòng 122 mm (được coi là một bản sao từ pháo D-30 của Nga).
PLZ-07 có tầm bắn tối đa 18 km với đạn thường hoặc lên tới 27 km khi bắn đạn rocket tăng tầm, trên nóc tháp pháo còn được trang bị 1 súng máy hạng nặng QJC-88 12,7 x 108 mm.
5. Xe chiến đấu bộ binh ZBD-04
ZBD-04 là phiên bản nâng cấp từ xe chiến đấu bộ binh ZBD-97, xe có tháp pháo tương tự Bakhcha-U lắp trên BMP-3, với pháo chính 100 mm có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng, đi kèm pháo tự động 30 mm.
Kíp chiến đấu của ZBD-04 gồm 3 người, khoang chở quân mang theo được 7 lính với đầy đủ vũ khí trang bị. Binh lính có thể tác xạ súng bộ binh qua lỗ châu mai nằm bên trái lẫn bên phải thân xe, cửa nóc phía sau cũng cho phép lính đứng dậy bắn trong khi xe đang chạy.
6. Xe thiết giáp đổ bộ ZBD-05
ZBD-05 là phiên bản phổ biến nhất được phát triển từ khung gầm xe chiến đấu bộ binh ZBD-2000, nhiệm vụ chính là chuyên chở phân đội lính thủy đánh bộ với đầy đủ trang bị vượt qua màn hỏa lực cỡ nhỏ đến địa điểm yêu cầu.
Vũ khí của ZBD-05 gồm 1 pháo tự động cỡ 30 mm, kết hợp với 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Kíp lái gồm 3 người và chuyên trở được 8 lính thủy đánh bộ, vỏ giáp của xe chịu được sức công phá của các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ.
7. Xe tăng lội nước ZTD-05
ZTD-05 là phiên bản xe tăng hạng nhẹ cùng dựa trên khung cơ sở ZBD-2000, với sửa đổi chính là được trang bị pháo 105 mm có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó gồm cả tên lửa chống tăng có điều khiển.
Ngoài ra, ZTD-05 còn được lắp đặt hệ thống đo xa laser hiện đại, thiết bị quan sát ảnh nhiệt phục vụ tác chiến ban đêm, động cơ được thay bằng loại có công suất 1.475 mã lực, kíp chiến đấu 4 người và không có khả năng chở lính như ZBD-05.
8. Xe thiết giáp nhảy dù ZBD-03
Xe chiến đấu đổ bộ đường không ZBD-03 có phần thân được cho là dựa trên thiết kế xe thiết giáp nhảy dù BMD-3 của Nga. Vũ khí chính của ZBD-03 là pháo tự động cỡ 30 mm (tương tự 2A72), kết hợp với súng máy đồng trục QJT cỡ 5,8 x 42 mm, ngoài ra xe còn được trang bị tên lửa chống tăng HJ-73.
ZBD-03 có trọng lượng chỉ 8 tấn với vỏ giáp rất mỏng nhằm đáp ứng khả năng nhảy dù từ máy bay. Kíp chiến đấu gồm 3 người, khoang chở quân có khả năng mang theo 5 lính dù với đầy đủ vũ khí trang bị. Khi tiếp đất, chỉ cần cắt dù là ZBD-03 có thể bước vào chiến đấu được ngay.
9. Xe thiết giáp chở quân ZBL-09
ZBL-09 (còn có tên gọi khác Type-07 Snow Leopard) hiện là loại xe thiết giáp chở quân bánh lốp 8x8 tốt nhất của Trung Quốc. ZBL-09 có thiết kế với động cơ đặt giữa, khoang chở quân bố trí phía sau, giúp binh lính có thể ra vào bằng cửa đuôi nhằm tránh hỏa lực của đối phương.
Vũ khí của ZBL-09 gồm pháo tự động 30 mm và súng máy đồng trục 7,62 mm, tháp pháo có thể lắp thêm súng phóng lựu tự động hoặc tên lửa chống tăng HJ-73. Kíp xe gồm 3 người và chở theo được tới 10 lính bộ binh.
Trên khung gầm ZBL-09, Trung Quốc đã phát triển thêm biến thể xe hỗ trợ hỏa lực gắn pháo 105 mm, xe mang cối tự hành, xe trinh sát, xe công binh, xe cứu thương...
10. Pháo tự hành chống tăng PTL-02
PTL-02 là một phiên bản nâng cấp từ pháo tự hành diệt tăng Type-87, với phần thân của xe thiết giáp bánh lốp Type-92 kết hợp với pháo chống tăng Type-86 100 mm. Hệ thống điều khiển hỏa lực của PTL-02 được "vay mượn" từ xe tăng Type-88, hệ thống này khá thô sơ nên kíp xe cần tới 5 người để vận hành.
Vũ khí phụ của PTL-02 là súng máy đồng trục 7,62 mm và súng máy hạng nặng 12,7 mm gắn trên nóc tháp pháo. Phiên bản xuất khẩu của PTL-02 thay pháo 100 mm Type-86 bằng pháo 105 mm tương tự L7 của Anh.
Nhận xét
Đăng nhận xét