Chính thức ra mắt tại triển lãm ôtô Geneva 2015, phiên bản cập nhật của chiếc SUV cỡ nhỏ Ford EcoSport có một số thay đổi nhằm hoàn thiện hơn cho mục đích sử dụng trong đô thị.
Phiên bản EcoSport 2016 dành cho thị trường Châu Âu
Ford EcoSport chính thức được bán tới tay khách hàng Việt Nam từ tháng 7/2014, dù chỉ có chưa đến nửa năm nhưng lượng bán EcoSport đã đứng thứ 4 trong số 7 mẫu xe kinh doanh của Ford Việt Nam (chỉ thua Everest 19 xe). Yếu tố nhỏ gọn, thời trang cùng với các công nghệ tiện ích trên xe đã khiến EcoSport nhanh chóng có chỗ đứng.
Để hoàn thiện hơn thiết kế hướng đến một chiếc SUV đô thị đúng nghĩa, tại triển lãm ôtô Geneva 2015 đang diễn ra ở Thuỵ Sĩ, Ford đã đưa ra phiên bản cập nhật mới nhất 2016 cho chiếc EcoSport.
Bước sang phiên bản mới (bản S), EcoSport đã bỏ đi phần bánh treo ở cửa sau, giúp chiếc xe gọn gàng hơn, phù hợp với mục đích chạy đô thị. Ngoài ra, EcoSport S còn được trang bị la-zăng hợp kim 17 inch, một bộ khuếch tán phía sau, ốp gương và mui xe đều được sơn đen. Khoảng sáng gầm xe giảm đi 10 mm.
Bên trong, EcoSport S sở hữu bảng điều khiển trung tâm có thiết kế mới mạ chrôm xung quanh, chất liệu cách âm sẽ được làm dày hơn ở các cánh cửa và cả bảng đồng hồ trung tâm, cũng như phần chụp pedal chắc chắn hơn. Xe có trang bị sưởi kính và sấy ghế phù hợp với khách hàng Châu Âu.
Động cơ trang bị trên EcoSport vẫn không thay đổi gồm bản 1.5L máy xăng, động cơ Ecoboost và diesel.
Giá bán của xe chưa được công bố, nhưng có thể biết trước là phiên bản EcoSport S sẽ bán ra trước mắt tại Anh vào tháng 6 tới đây.
Tin liên quan
Trên hành trình, chúng tôi ghé qua làng sơn mài Hạ Thái, mà theo tư vấn của một anh bạn, từng là nơi làm rất tốt mô hình kết hợp giữa du lịch với phát triển nghề truyền thống.
Sơn mài Hạ Thái
Đến đầu thập niên 1930, lứa hoạ sĩ đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, từ vẽ tranh đã nghĩ ra việc ứng dụng sơn mài trên nhiều chất liệu khác nhau và hoàn thiện kỹ thuật mài. Từ gỗ, tre, nứa, song, mây và giờ đây là composite, gốm sứ, khiến cho sản phẩm trở nên cực kỳ phong phú. Sơn mài trước đây cũng chỉ có 3 mầu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Quá trình tìm tòi sáng tạo đã tạo nên nhiều màu mới với nhiều sắc độ, từ đằm thằm đến lộng lẫy.
Trên tay hoạ sĩ Trần Công Dũng là một chiếc đôn sơn mài, với khung đan từ tre.
Khảm trai - nghề công phu nhất
Tô hình lên xà cừ trước khi châm vạch ốc.
Dùng lưỡi cưa mảnh như sợi chỉ để cắt từng miếng vỏ trai, ốc.
Một người thợ tỉ mẩn cham lưng chiếc ghế bằng gỗ trắc trước khi cẩn xà cừ. Bộ bàn ghế gỗ trắc khảm xà cừ này có giá tới 800 triệu đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Duy Hải giới thiệu các công đoạn làm ra một tác phẩm khảm trai.
Chiếc hộp trang sức bằng gỗ trắc giá gần 40 triệu đồng.
Có tới hơn 90% người dân ở Chuôn Ngọ sống nhờ nghề khảm trai.
EcoSport khám phá làng sơn mài Hạ Thái và làng khảm trai Chuôn Ngọ.
Chu Đậu, làng nghề gốm thất truyền hơn 5 thế kỷ đã được khôi phục gần như trọn vẹn với những điểm độc đáo khó tìm thấy ở các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Không gian trong sân công ty gốm Chu Đậu.
Lịch trình chuyến đi thứ hai trong loạt bài Ford EcoSport khám phá làng nghề của chúng tôi là tìm về làng gốm Chu Đậu. Ý tưởng đến từ việc một anh bạn vong niên công tác tại Văn phòng Chính phủ có đề cập chuyện từng đặt hàng một số món gốm Chu Đậu làm quà tặng và người nhận quà rất yêu thích.
Nói đến gốm sứ Việt, người ta nghĩ ngay tới Bát Tràng với những sản phẩm gốm thủ công đặc sắc, sứ Minh Long với những mặt hàng hiện đại, cao cấp. Tuy nhiên, ở một xứ sông ngòi chằng chịt và người dân gắn chặt với đất như Việt Nam, có hàng chục làng gốm lớn nhỏ và trong số đó, Chu Đậu là một làng nghề có tuổi đời lâu nhất, với những sản phẩm cũng độc đáo bậc nhất.
Đường đến gốm Chu Đậu có thể đi theo hai con đường: quốc lộ 5 hoặc đường qua Bắc Ninh đến thị trấn Sao Đỏ rẽ vào.
Từ Hà Nội đến huyện Nam Sách, Hải Dương chỉ chưa đầy 2 tiếng chạy ôtô. Có 2 cách di chuyển đến đây: chạy quốc lộ 5 cắt ngang sông Thái Bình để rẽ vào từ ngã ba Tiền Trung, nếu chọn đường xa hơn đi qua Bắc Ninh, thị trấn Sao Đỏ và đi qua sông Kinh Thầy để vào đến Chu Đậu. Con đường thứ nhất rất dễ đi, chiếc Ford EcoSport chở chúng tôi cứ bám theo biển báo, thậm chí không cần sử dụng đến Google Map để tìm đường.
5 thế kỷ ngủ quên
Chu Đậu có một thời gian thất truyền nghề gốm và chỉ sản xuất nông nghiệp.
Nằm yên ả bên tả ngạn sông Thái Bình, Chu Đậu theo tiếng Hán có nghĩa là bến thuyền đỗ. Theo nhận định của giới chuyên môn, gốm Chu Đậu, có từ thế kỷ 13, vào thời cực thịnh đã hình thành nên phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Gốm thành phẩm được ví “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Tuy nhiên, nghề gốm tương truyền bị phôi phai bởi cuộc chiến Trịnh-Mạc vào thế kỷ 15.
Lai lịch làng gốm cổ chỉ được nhắc đến trở lại khi vào năm 1980, một vị đại sứ Nhật Bản vô tình nhìn thấy một chiếc bình gốm cổ tuyệt đẹp ở bảo tàng Topkapi Saray (tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) được mua bảo hiểm với trị giá lên cả triệu USD. Sự tò mò về gốc gác chiếc bình đã khiến ông viết thư cho chính quyền tỉnh Hải Hưng (lúc đó) để tìm hiểu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ai xác định được chính xác vị trí một làng gốm trên địa bàn tỉnh. Câu chuyện rơi vào quên lãng cho dù rải rác đây đó lại có tin tức về việc người dân đào được gốm cổ dưới lòng đất.
Chu Đậu hiện nằm trong nhóm 3 địa điểm du lịch mà huyện Nam Sách muốn phát triển gồm gốm Chu Đậu, chùa Trăm Gian và đền thờ Mạc Đĩnh Chi.
Phải đợi tới năm 1997, gốm Chu Đậu mới hồi sinh với việc một con tàu của Bồ Đào Nha được trục vớt ngoài khơi Quảng Nam, trên đó chở theo hàng trăm nghìn đồ gốm cổ, chủ yếu là có nguồn gốc từ Chu Đậu. Chính thời điểm này đã dẫn đến quyết định của công ty Hapro đầu tư thành lập Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, chuyên sản xuất mặt hàng gốm xuất khẩu vào năm 2001.
Gốm Chu Đậu thực ra là cái tên gọi ngắn gọn của gốm Chu Đậu – Mỹ Xá, tên 2 làng mà người ta đào được nhiều dấu tích về nghề gốm. Hiện nay, người ta chỉ quen gọi gốm Chu Đậu. Nguyên do bởi ở đây không còn làng nghề truyền thống như những nơi khác, tại địa phương hiện chỉ có một số công ty mở ra để làm nghề gốm. Lớn nhất trong đó là Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, nằm trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Nam Sách, cách thành phố Hải Dương 16km về phía Tây Bắc.
Không gian nhà xưởng tạo hình khuôn.
Con đường trải nhựa đưa chiếc EcoSport vào tận sảnh chính của công ty, nơi trưng bày và bán sản phẩm, phía sau là khu sản xuất và lò nung. Toàn bộ cơ sở nằm trên diện tích hơn 33 nghìn mét vuông, với khoảng hơn 200 công nhân. Do có tuổi đời chưa lâu, lại thành lập trên cơ sở làng gốm nổi tiếng nhưng chỉ còn lại đồ cổ và cái tên, nên khó khăn lớn nhất của Công ty gốm Chu Đậu là thiếu thợ lành nghề, đặc biệt là các nghệ nhân cha truyền con nối. Các thợ nghề lứa đầu tiên đều là những người được công ty tuyển chọn và cho đi học nghề gốm. Bù lại, do được đầu tư bài bản từ đầu nên các khu vực sản xuất được bố trí ngăn nắp, quy trình sản xuất liên hoàn. Đây là điều mà các làng nghề truyền thống hầu như không làm được. Thợ nghề được chuyên môn hoá và có ý thức về công việc tốt hơn so với ở các doanh nghiệp quy mô gia đình.
Men vàng Chu Đậu
Phòng trưng bày của công ty gốm Chu Đậu có tất cả các sản phẩm ưu tú nhất của làng nghề.
Tại gian trưng bày, sau khi làm việc với lãnh đạo công ty, người phụ trách bán hàng tên Dung dẫn chúng tôi đi một vòng theo đúng quy trình sản xuất gốm. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, Dung rành rọt kể lại lịch sử phát triển của gốm Chu Đậu, của công ty. Cô dẫn chúng tôi đi qua gian thờ tổ nghề - bà Bùi Thị Hý – người ký tên trên chiếc bình hoa lam “triệu đô” ở bảo tàng Topkapi Saray. Đi qua một khu vực rộng rãi trưng bày đủ các loại sản phẩm, chúng tôi bước sang khu vực sản xuất.
Về các sản phẩm từ đất, cách phân chia phổ thông coi cấp thấp nhất là sành, rồi đến gốm và cao nhất là sứ. Trên thực tế, tất cả đều là sản phẩm được làm từ cùng chất liệu đất sét. Sứ được sử dụng để chỉ những sản phẩm đạt tới các tiêu chí cao nhất về độ lửa, độ trong và độ bóng. Nói cách khác, công nghệ chế tạo sứ đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Hiện tại, Chu Đậu có khá ít sản phẩm sứ, chủ yếu mới là đồ gốm bởi lý chính là chưa đầu tư được lò nung. Nếu xét về sự cầu kỳ trong chế tác, nghệ nhân làm gốm hay sứ cũng đều cần sự tài hoa như nhau.
Một dãy các lò nung gốm.
Để ra được sản phẩm chất lượng, đầu tiên phải chọn được nguyên liệu tốt. Gốm Chu Đậu đòi hỏi loại đất sét lấy từ Trúc Thôn - Chí Linh, mỏ đất có nhiều vi lượng khoáng chất, ít tạp chất và được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới. Đất khai thác về cũng phải đi qua các công đoạn nghiền, lắng trong bể, lọc và ủ để làm sạch để thành hồ.
Tại xưởng tạo hình, các vật dụng thông thường được làm bằng phương pháp tạo khuôn rồi đem sấy khô và mài nhẵn. Với sản phẩm đòi hỏi tính nghệ thuật, thợ thủ công sẽ phải dùng phương pháp chuốt bằng tay để tạo hình. Tiếp đó là đến công đoạn cầu kỳ của việc trang trí hoạ tiết. Lúc này, sản phẩm được đưa vào lò nung với nhiệt độ trung bình 12.500 độ C.
Một công nhân là người địa phương đang tạo nét cho lục bình cỡ đại.
Gốm Chu Đậu có 2 đặc trưng: các hoạ tiết tinh xảo thuần Việt và lớp men hơi vàng sau khi ra lò. Men được làm từ tro vỏ trấu thóc nếp, trộn với đất sét theo tỷ lệ và công nghệ nhào nặn riêng, khi ra lò cho hình ảnh sâu, với những vết rạn vệt xoắn, khác hẳn men rạn chân chim, hạt ngô v.v.. của gốm Bát Tràng hay loại gốm khác. Chính vì lẽ đó, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết bằng câu “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.
Nữ công nhân trẻ đang tỷ mẩn vẽ hoa văn trước khi gốm được đem đi tráng men.
Kể với chúng tôi, Dung cho biết 2 sản phẩm quan trọng nhất của Công ty gốm Chu Đậu hiện nay là cặp bình tỳ bà – hoa lam, hay còn gọi là cặp bình âm dương, bình phụ mẫu. Bình tỳ bà cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn biểu trưng cho người phụ nữ. Một chiếc bình tỳ bà cổ đã được mua với giá 521.00USD trong một phiên đấu giá tại Mỹ.
Bình hoa lam có thân tròn, cổ cao hình trụ thẳng đứng biểu trưng cho người đàn ông. Gọi là hoa lam bởi hoạ tiết trên bình (và hầu hết sản phẩm của gốm sứ Chu Đậu) được vẽ bằng màu lam. Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện: Vẽ chi tiết, nét mảnh, mà dân sưu tầm gốm gọi là “pake”; Vẽ thoáng với nét đậm.
Một sản phẩm "vẽ vàng" của gốm Chu Đậu có giá khá đắt.
Gốm hoa lam còn được kết hợp với trang trí vàng kim. Không phải sơn son thếp vàng mà vàng được pha loãng bằng hoá chất, sau đó người thợ sử dụng bút để chấm vàng nước và vẽ trực tiếp lên lớp men sản phẩm. Đây cũng là kỹ thuật ít có ở các nước và đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Người ta tìm thấy không ít đồ gốm trên con thuyền đắm ở Quảng Nam sử dụng chất liệu này.
Không chỉ khôi phục được những kỹ thuật cao cấp nhất của nghề gốm cổ, gốm Chu Đậu còn đang khởi sắc bởi cách làm hiện đại. Khác với các làng nghề truyền thống, với các xưởng nhỏ và không có những hiệp hội nghề nên rất khó làm du lịch, khách tham quan Công ty gốm Chu Đậu có thể chứng kiến từ đầu đến cuối quy trình làm ra sản phẩm, được chiêm ngưỡng sự kỳ công của những người thợ và có rất nhiều món đồ lưu niệm để mua. Chính vì vậy, hằng năm, Chu Đậu đang đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sản phẩm. Gốm Chu Đậu còn tạo được truyền thống mỗi dịp năm mới mời lãnh đạo cao cấp của nhà nước về tham quan và ký tên lên sản phẩm vừa ra lò. Người mở đầu chính là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và người thường xuyên ủng hộ nhất là bà Nguyễn Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội. Gốm Chu Đậu, vì thế, đang có cơ hội để trở thành cái tên quen thuộc ở cả những sản phẩm mỹ nghệ cấp cao lẫn sản phẩm phục vụ đời sống thường ngày.
Clip Ford EcoSport khám phá làng gốm Chu Đậu
Làng nghề truyền thống Đồng Kỵ đang ở trong giai đoạn chuyển mình, vượt ra khỏi cách làm ăn chủ yếu dựa trên nghề truyền thống, hướng ra các thị trường Âu, Mỹ với nền tảng phát triển bền vững.
Chợ gỗ Đồng Kỵ.
Nhằm mục đích thực hiện giới thiệu về các làng nghề nổi tiếng ở Bắc bộ và đang chuyển đổi theo hướng tích cực, năng động, dám khai phá những thị trường mới, Xedoisong.vn đã kết hợp với thương hiệu Ford Việt Nam và dòng xe EcoSport thực hiện tổ chức chuyến khám phá 3 làng nghề tiêu biểu là Đồng Kỵ, Chu Đậu, và Chuôn Ngọ.
Một Đồng Kỵ đang khác
Lăn bánh khỏi Hà Nội trên chiếc Ford EcoSport, nhóm phóng viên đi theo đường vành đai 3 qua cầu Thanh Trì sang Bắc Ninh. Đó là một ngày đầu tháng 9 trời xám xịt. Đồng Kỵ nằm tiếp giáp với thị xã Từ Sơn. Trước đây làng có tên là làng Cời vốn nghèo đói ở chốn Kinh Bắc. Nhận thấy không thể nương dựa mãi vào nghề nông, những người đàn ông trong làng Cời đã rủ nhau phát triển nghề gỗ của cha ông bị bỏ mặc bấy lâu. Theo các nhà khoa học, làng gỗ Đồng Kỵ có lịch sử tồn tại và phát triển khoảng 300 năm.
Chúng tôi chọn Đồng Kỵ vì nhiều lý do. Đây là ngôi làng từ lâu được mệnh danh giàu nhất Việt Nam. Đây cũng là điển hình cho một làng nghề truyền thống phát triển rất mạnh khi mở cửa kinh tế nhưng đang ở trong giai đoạn phải thay đổi để theo kịp với xu hướng phát triển mới. Cuối cùng, việc sử dụng gỗ, cũng như các nguồn nguyên liệu tự nhiên khác, luôn là câu chuyện nóng hổi, cả trong việc khai thác và bảo vệ.
Gỗ vốn là nghề truyền thống của Đồng Kỵ, nhưng đã không còn giới hạn ở trong phường mà lan cả ra xã Phù Khê bên cạnh. Theo chính quyền địa phương, trên 2 khu vực này có 5 chợ gỗ lớn, 3 trong đó nằm tại địa bàn xã Phù Khê. Nhưng trên trục đường chính và ở trong các đường liên thôn rải rác rất nhiều chợ nhỏ, bày bán đủ loại gỗ, từ rẻ tiền cho tới cả gỗ loại 1. Ai đến Đồng Kỵ đều ấn tượng lập tức khi thấy gỗ ở khắp nơi. Gỗ được mua bán, mặc cả như những món hàng thông thường. Người ta chở gỗ bằng xe tải, xe 3 bánh hay thậm chí cả xe máy. Ở những chợ lớn, hàng nghìn súc gỗ vuông vắn được xếp trong các ki-ốt. Ở những hàng nhỏ mọc ven đường cũng có dăm bảy chục khúc gỗ lớn nhỏ xẻ sẵn. Các xưởng sản xuất thì đánh xe tải ra lấy gỗ. Thợ gia đình chốc nhát lại đảo ra chợ, người thì khuân cả cây gỗ về xẻ ra đóng đồ, có người lại chỉ nhặt một cành gỗ nhỏ về làm lại cái chân bàn.
Người ta từng nói, không có khối gỗ quý nào có ở Việt Nam mà không “chạy” qua Đồng Kỵ. Vì thế, đây cũng là nơi tập hợp của anh hào tứ xứ. Thời điểm mà chúng tôi tới Đồng Kỵ, có thể cảm nhận không khí cảnh giác được nâng cao hơn cả trước đây, cho dù vụ bắt ông trùm gỗ Minh “Sâm” xảy ra đã tròn một năm. Có lẽ bởi chiếc xe EcoSport màu đỏ quá nổi bật mà chúng tôi vừa đi vào chợ, đã có tin mật báo để chỉ vài phút sau người của ban quản lý đã xuất hiện để tra hỏi về giấy tờ và thăm dò xem chúng tôi tới đây với mục đích gì.
Một điều nữa dễ nhận thấy, là từ tháng 9 cho đến cuối năm vốn là mùa kinh doanh sôi động nhất ở Đồng Kỵ. Những năm trước, thời điểm này có thể thấy xe tải chở các mặt hàng gỗ vào ra tấp nập. Tuy nhiên, con đường chính ở Đồng Kỵ giờ vắng bóng xe. Các cửa hàng cũng ít thấy khách ghé thăm. Tưởng như chuyến đi lần này không đạt được mục đích. Nhưng những gì chứng kiến sau đó cho chúng tôi thấy dù gặp khó khăn, Đồng Kỵ đang nỗ lực để thay đổi. Những biến cố xảy đến như một điều không tránh khỏi trong quá trình “lột xác” để nâng mình lên một quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.
Chúng tôi ghé vào siêu thị gỗ lớn nhất tại trung tâm Đồng Kỵ. Toà nhà Hướng Mai Center khánh thành cuối năm 2014, khi quy mô của cửa hàng 6 tầng nằm sâu trong phường không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như tham vọng của công ty. Công ty được thành lập bởi ông Chử Văn Hướng, một trong những người được cho là dòng dõi Chử Đồng Tử, và bà Vũ Thị Mai, một nữ doanh nhân năng động của Bắc Ninh. Toà nhà 9 tầng rộng hàng nghìn mét vuông bày chật kín các sản phẩm gỗ từ sập tam diện tứ diện, các loại bàn ghế đủ phong cách, đồ thờ cho tới những vật dụng theo phong cách hiện đại. Nổi bật ở đây vẫn là những sản phẩm cầu kỳ làm theo phong cách giả cổ, được ưa chuộng bởi đa số khách hàng truyền thống của Đồng Kỵ.
Nhưng điều khiến chúng tôi ấn tượng là thái độ của những người bán hàng. Khi chúng tôi bước vào Hướng Mai Center, người phụ trách, anh Hiếu, tận tình giới thiệu với chúng tôi từng mẫu sản phẩm. Theo anh Hiếu, gỗ nhóm 1, đắt tiền nhất, gồm hương, trắc, mun và gụ. Một bộ sập tam diện gỗ hương có giá hơn 200 triệu đồng, một bộ bàn ghế 6 món cũng có giá từ vài chục triệu đồng, thậm chí những sản phẩm bằng gỗ trắc lên tới vài trăm triệu hay cả tỷ đồng cũng không hiếm. Vừa trò chuyện, nhóm phóng viên của chúng tôi vừa tiến hành quay phim, chụp ảnh từng sản phẩm. Ai từng đến Đồng Kỵ đều biết chụp hình là một trong những cấm kỵ bất thành văn. Nguyên nhân dễ lý giải, vì các cửa hàng sợ sẽ bị mất mẫu mã. Chưa kể tại các xưởng lớn, mỗi năm khách Trung Quốc thường đến đặt làm một vài sản phẩm riêng, với số lượng không nhỏ. Việc bị sao chép có thể làm mất đi mối hàng lớn trong năm.
Thoát Trung, mở cửa thị trường Âu, Mỹ
Rời Hướng Mai, chúng tôi tới Trung tâm trưng bày sản phẩm thương hiệu gỗ Đồng Kỵ, thuộc Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Hội thành lập năm 2011, đến nay có sự tham gia của hầu hết các công ty gỗ lớn ở Đồng Kỵ, với số thành viên lên đến gần 250 đơn vị. Tiếp chúng tôi là ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội.
Theo ông Vương, đúng là giai đoạn này gỗ Đồng Kỵ đang gặp phải hai khó khăn. Thứ nhất, thị trường trong nước chưa đủ mạnh. Hiện tại, sức mua trong nước chỉ chiếm khoảng 20% lượng hàng sản xuất ra. Nguyên do là các sản phẩm gỗ Đồng Kỵ đều là hàng mỹ nghệ nên giá đắt so với mặt bằng chung, trong khi kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn để có thể thúc đẩy thị trường này phát triển.
Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.
Thứ hai, thị trường xuất khẩu hiện tại chủ yếu là Trung Quốc. Còn nhớ hồi năm 2014, sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, xuất khẩu khẩu gỗ sang Trung Quốc gần như tê liệt. Gỗ Đồng Kỵ lại càng khó khăn, bởi nếu Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15% xuất khẩu gỗ của Việt Nam, thì lại chiếm tới 70-80% xuất khẩu gỗ của Đồng Kỵ. Theo thống kê của Hội gỗ mỹ nghệ, lượng hàng xuất khẩu vào thời điểm đó giảm một nửa, có khi tới hai phần ba so với trước, giá bán cũng vì thế mà giảm theo. Nhiều cơ sở tạm ngưng sản xuất, hàng nghìn công nhân nghỉ việc, các xưởng còn lại cũng phải thu hẹp quy mô. Một phần nữa, người Trung Quốc nhập gỗ Đồng Kỵ là vì sản phẩm được làm từ gỗ quý trong tự nhiên. Như vậy, thị trường sẽ ngày càng giảm xuống do nguồn gỗ sẽ ngày càng khan hiếm.
Khó khăn, nhưng cũng chính là cơ hội lớn để gỗ Đồng Kỵ vươn lên. Cầm trên tay mẫu gỗ công nghiệp được cung cấp bởi đối tác nước ngoài, ông Vương cho biết từ năm 2016, Hội sẽ xuất xưởng một số sản phẩm sang châu Âu, Mỹ. Đây sẽ là những thị trường lớn mà nếu khai thác được, Đồng Kỵ sẽ thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh được nguy cơ mất nghề gỗ, và còn có thể nâng doanh số lên gấp 4-5 lần trong vài năm tới.
Sản phẩm dành cho thị trường Âu, Mỹ luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Về mặt chất liệu, gỗ công nghiệp có độ bền lên tới hàng chục năm, nhờ được xử lý qua nhiều công đoạn phức tạp. Hiện tại, Hội gỗ Đồng Kỵ phải nhập gỗ nguyên liệu từ Pháp, Mỹ về để đóng các lô hàng dành cho thị trường này. Các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hay một số nơi khác còn bắt buộc xác thực nguồn gốc gỗ hợp pháp, phải là gỗ trồng thay vì gỗ mọc tự nhiên.
Về sản phẩm, hiện tại khách hàng ở những nước trên ưa chuộng mẫu mã dùng ngoài trời. Với đồ nội thất dùng trong nhà, các xưởng gỗ Đồng Kỵ nói riêng cũng như ở Việt Nam chưa đủ thiết bị và trình độ gia công cho phù hợp.
Tuy nhiên, nếu khai thác được thị trường này, nâng lượng hàng xuất khẩu lên con số đủ lớn, Đồng Kỵ thậm chí có thể mở cả nhà máy sản xuất gỗ nguyên liệu tại chỗ thay vì nhập từ nước ngoài. Đây cũng là tiền đề cho việc đầu tư dây chuyền sản xuất, cải tiến sản phẩm, nâng cấp hệ thống phân phối nhằm chinh phục thị trường gỗ trong nước, với các sản phẩm rẻ hơn, kiểu dáng hiện đại hơn và phù hợp với thị hiếu của nhiều gia đình trẻ. Trước mắt, Hội gỗ mỹ nghệ đặt mục tiêu tới năm 2018 có thể tăng doanh số hàng xuất khẩu lên gấp 5 lần hiện nay, đạt 50 triệu USD/tháng.
Cũng như thời mở cửa, lớp tiền bối đã tìm ra con đường thoát nghèo, tạo nên ngôi làng nhiều giám đốc nhất Việt Nam, với những tên tuổi như Hưng Long, Mỹ Hà, Hướng Mai v.v., chúng tôi tin rằng thách thức mới sẽ đặt cơ hội vào tay những người trẻ để đưa Đồng Kỵ trở thành hình mẫu phát triển mới, một sự thịnh vượng dựa trên nền tảng bền vững.
Nhận xét
Đăng nhận xét