PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP Ở NAM KỲ

PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP Ở NAM KỲ
 Ngay từ khi quân Pháp đang tấn công Đại đồn Chí Hòa, quân triều đình rút chạy bỏ ngỏ Gia Định cho địch chiếm đóng thì các đạo quân “ứng nghĩa” bám sát địch chiến đấu, nhiều sĩ phu yêu nước quay về thôn xã chiêu mộ nghĩa binh chống địch. Quân Pháp chiếm được thành Định Tường nhưng chỉ đóng được ba đồn Gia Thạnh, Chợ Gạo và Gò Công.

 Phong trào kháng chiến của nhân dân bùng lên khắp nơi trong tỉnh, làm chủ các làng xã:
     -Đó là những đạo quân ứng nghĩa của Đỗ Trình Thoại tấn công vị trí Gò Công (22.6.1861).
     -Trương Định (với lực lượng 6.000 người, làm chủ vùng Tây-Nam Gò Công).
     -Phủ Cậu ở vùng Rạch Chanh (Mỹ Tho), của Thiên Hộ Dương ở vùng Tây-Bắc Định Tường.
     - Quản Tu (người đã bắn chết trung tá Bourdais trên sông Bảo Định) tiếp tục chống địch ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây.
   Quân Pháp vừa rút bớt một số căn cứ chiếm đóng (Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạnh) liền bị nhân dân võ trang chiếm lại. Các vị trí Tây Ninh, Trảng Bàng, Thủ Dầu Một liên tiếp bị nghĩa quân uy hiếp.
   Ngày 10.12.1861, đạo quân ứng nghĩa do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy tàu “Espérance” trên sông Nhật Tảo, tiêu diệt phần lớn quân địch trên tàu, khích lệ mạnh mẽ tinh thần cứu nước của nhân dân lục tỉnh. Thực dân Pháp thú nhận đây là “một trận đau đớn làm cho tinh thần người Việt phấn khởi và gây xúc cảm sâu sắc trong số người Pháp”.
   Kể từ đầu tháng 9.1858 đến cuối tháng 3.1862, quân Pháp tuy chiếm được 4 tỉnh thành (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long) nhưng chưa tổ chức được bộ máy cai trị vì luôn phải đối phó với phong trào kháng chiến của nhân dân đang dâng cao, nhất là khoảng cuối năm 1861 đầu năm 1862.  

      Những trung tâm kháng chiến ở Cần Giuộc (do Quản Là chỉ huy), Thủ Dầu Một, Trảng Bàng và Tây Ninh ở phía bắc sông Vàm Cỏ, trung tâm Tháp Mười (do Võ Duy Dương chỉ huy) đã chặn đứng được ý đồ đánh thọc sâu vào vùng nông thôn của địch nhằm bao vây tiêu diệt lực lượng kháng chiến.
     Các nguồn tư liệu khác nhau cho thấy những tháng đầu năm 1862 là thời gian khủng hoảng nặng nề nhất của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Việt Nam. Một mặt, phong trào kháng chiến của nhân dân đang phát triển mạnh đặt quân địch trước những khó khăn nan giải, mặt khác là những tác động do thất bại của Pháp ở Syrie, sa lầy ở Mexico và làn sóng phản đối của nhân dân Pháp.
    Như vậy, trước họa xâm lăng, nhân dân Lục Tỉnh đã phối hợp với quân đội triều đình kiên quyết chống lại quân Pháp. Những ngọn lửa kháng chiến đã nhóm lên khắp nơi, chặn bước chân quân viễn chinh và vây đánh chúng. Trong điều kiện thuận lợi ấy, triều đình Huế đã không tranh thủ giương lên ngọn cờ cứu nước mà lại vội vàng ký với Pháp bản “Hòa ước Nhâm Tuất” ngày 5/6/1862 :nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông, đảo Côn Lôn và chịu bồi thường chiến phí cho quân Pháp xâm lược, cam kết phối hợp với thức dân Pháp chống lại phong trào kháng chiến của nhân dân, Pháp trả lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn. Hành động đầu hàng và thỏa hiệp đó của triều đình nhà Nguyễn càng làm cho ngọn lửa kháng chiến của nhân dân bốc lên ngùn ngụt.

     Những cờ nghĩa “Bình Tây” phất lên khắp Lục Tỉnh, trong đó khởi nghĩa Trương Định là tiêu biểu nhất trong buổi giao thời: Chuyển ngọn cờ dân tộc từ tay giai cấp phong kiến thống trị sang tay quần chúng nhân dân.

Nhận xét