Hoa Lan mùn vàng không lá Galeola nudifolia

Chi Lan Galeola trên thế giới có khoảng 5 (hoặc 6) loài, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á đến New Guinea và Bắc Úc. Chúng gồm các loài Galeola cathcartii Hook.f., G. faberi Rolfe, G. falconeriHook.f., G. humblotii Rchb.f., G. lindleyana (Hook.f. & Thomson) Rchb.f. và G. nudifolia Lour, các tên khác còn lại đều là tên đồng vật. Chúng có đặc điểm chung là lan hoại sinh không diệp lục, không lá, mọc từ đất, thân có dạng trườn mang nhiều vẩy cố định, thân nạc và cứng, có rễ ở các đốt, rễ hoá gỗ. Cụm hoa xim hoặc chuỳ mọc ở chót thân hoặc bên, mang rất nhiều hoa. Trục có nhiều lông tơ và lá bắc hoa cố định. Hoa không nở to, hình chuông, vàng đôi khi có những chấm đỏ. Lá đài và cánh hoa rời, có hình dạng gần giống nhau. Cánh hoa mặt ngoài nhiều lông. Lá đài hơi nhỏ hơn so với cánh hoa, nhẵn. Môi không xẻ thuỳ, lõm, hình cái chén. ... Ở Việt Nam có duy nhất một loài đó là Galeola nudifolia Lour.

Galeola-nudifolia-1
Cành hoa và cây trong sinh cảnh tự nhiên
Loài lan Galeola nudifolia Lour. có tên Việt Nam là Lan leo hoa trần hay Lan mùn vàng. Chúng phân bố chủ yếu ở miền Trung Việt Nam như: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế. Ngoài ra còn gặp ở một số tỉnh Tây Bắc như Hoà Bình và Sơn La. Trên thế giới chúng phân bố ở Bhutan, Myanmar, Đông Bắc Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hải Nam, Thái Lan, Lào, Cam Pu Chia, bán đảo Malacca, Indonesia và Philippines. 
Galeola-nudifolia-2
Hoa có màu chủ yếu là vàng với rất nhiều lông
Ngoài những đặc điểm chung của chi, chúng còn có một số đặc điểm riêng sau. Thân có dạng dây leo bò dài đến 15 m, đường kính thân to 0.5–2 cm, có rễ ở các đốt, rất dày và cứng, rễ hoá gỗ và mang những vẩy hình tam giác màu đỏ nhạt dài 0.5–6 cm. Cụm hoa phân nhánh, mỗi nhánh dài 15–50 cm, mang rất nhiều hoa thưa, hoa nở lần lượt gối nhau, 2-3 bông nở một lần ở phía gần gốc cuống trước. Tất cả những phần non đều có lông. Cuống và bầu hoa dài 8–20 mm. Lá bắc hoa nạc, hình tam giác nhọn, dài 9–12 mm. Hoa không nở to, chiều ngang khoảng chừng 1.5–2.5 cm, màu vàng, môi có những đường gân màu đỏ-da cam bên trong. Lá đài và cánh hoa gần giống nhau, hình elip, dài 1.2–2.2 cm, rộng 0.6–1.2 cm, bẹt hoặc tù, lá đài bên rộng và hơi thuôn. Cánh hoa mỏng hơn, thường lượn sóng về phía mép. Môi hầu như là tròn, nguyên, chiều ngang 1–1.6 cm, lõm sâu lòng chảo, nhiều lông, mép nhiều răng cưa. Quả nang khô tự khai, hình trụ, dài 15 cm và có đường kính 2.5 cm, hạt có cánh ngắn, đường kính khoảng 2 mm. Hoa ra vào tháng 3 đến tháng 7.
Galeola-nudifolia-3
Môi hoa lõm hình lòng chảo, mép môi xẻ nhiều răng nhỏ
Lan mùn vàng  Galeola nudifolia phân bố ở rừng cây lá rộng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, nơi các sườn dốc và nơi đó có nhiều mùn trên nhiều loại đất các nhau, nhưng phổ biến hơn trên vùng có đá silicat, đất sỏi ở độ cao 100–800(1000) m so với mực nước biển. 
Galeola-nudifolia-4
Galeola nudifolia đang có rất nhiều quả nang khô tự khai
Đây là loài có phân bố rộng, nhưng thực tế lại rất hiếm ở các vùng đất thấp, rừng núi thấp và cao. Chúng xuất hiện ở những nơi đất trống, nơi gần với khu vực khai thác rừng, nơi ẩm có các cây gỗ mục. Chúng được đề nghị tình trạng bảo tồn là rất hiếm và dễ bị tổn thương VU.
Galeola-nudifolia-5
Tiêu bản điện tử của Galeola nudifolia
So sánh về mặt hình thái với các loài Galeola khác thì Lan mùn vàng G.nudifolia rất giống với G. cathcartii Hook.. Nhưng loài G. cathcartii khác ở chỗ có các cánh hoa hẹp hình nhọn giáo và môi có gốc hình nêm. Loài này phân bố ở Đông Bắc Ấn Độ, Thái Lan và có thể có ở vùng phía Đông của Việt Nam.

Nhận xét