Sưu tầm những bài thuốc từ hoa lan



Lan lô hội
Lan lô hội, Đoản kiếm lô hội – Cymbidium aloifolium (L.) Sw, thuộc họ Lan – Orchidaceae.
Mô tả: Phong lan hay địa lan thành bụi dày, giả hành nhỏ, hình trái xoan, bị che khuất bởi bẹ lá. Lá nhiều mọc đứng hình dải, tròn và có 2 thuỳ không đều ở chóp, dai, màu lục sậm, có bẹ vàng, dài 0,3-1m, rộng 1,5-5cm. Chùm thưa, dài đến 1-2m; hoa rộng 5cm, phiến hoa đỏ nâu, môi thắt vào giữa, trắng có đốm hồng, thuỳ giữa rộng, mép nhăn. Quả nang 4,5 x 3cm.
Hoa tháng 2-7, quả tháng 9.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Cymbidii Aloifolii.
Nơi sống và thu hái: Cây của á châu ở Xri Lanca, Ấn Ðộ, Nêpan, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Cây rất phổ biến ở vùng đồng bằng cho tới độ cao 800m từ Sơn La, Quảng Ninh, qua Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Tây Nguyên đến Tây Ninh, Kiên Giang, Côn Ðảo. Cũng thường được trồng làm cảnh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Theo Poilane, cây được dùng để tắm cho trẻ em gầy yếu.
Ở Quảng Ninh (Tiên Yên) nhân dân dùng chữa cam trẻ em. Cũng được dùng làm thuốc điều hoà kinh nguyệt. Lá giã nhỏ, pha thêm rượu dùng đắp trong trường hợp gẫy chân tay trật khớp, sưng khớp, đau gân.
Ghi chú: ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây hoặc hạt một loài khác là Cymbidium pendulum (Roxb) Sw làm thuốc trị phổi nóng sinh ho, lao phổi, thổ huyết, viêm hầu họng, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ngoại thương xuất huyết.
theo: VNPT – Chung tay vi Suc khoe cong dong – Phong benh hon Chua benh.
Thố nhĩ lan, Lục lan, Lan kiếm lá giáo – Cymbidium lancifolium Hook. f., thuộc họ Lan – Orchidaceae.
Mô tả: Địa lan cao 40-50cm; rễ to 4mm; giả hành đứng cao 6-10cm, mang xơ của bẹ và 3-4 lá, có cuống dài đến 10cm. Phiến lá hình bầu dục thon, dài 7-20cm, rộng 3-4 cm, gân 5, giữa là gân mảnh. Cụm hoa từ gốc giả hành, ngắn hơn lá, dài 10-30cm, mang 3-6 (-8) hoa; cuống và bầu dài 2,5cm, phiến hoa dài 3,5cm, màu lục tái; môi có rằn tím và tía; cột có cánh. Quả nang dài 5cm.
Hoa tháng 12.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Cymbidii Lancifolii.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố từ Nêpan ra phía đông tới Nhật Bản và về phía nam qua Inđônêxia tới Niu Ghinê. Ở nước ta, lan này mọc ở Sa pa (Lào cai), Tam Đảo (Vĩnh phú), Cúc Phương (Ninh bình) tới Konplong (Kon tum), Đà Lạt (Lâm đồng).
Tính vị, tác dụng: Có tác dụng nhuận phế, tục cân.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cũng được dùng làm thuốc trị ho, viêm nhánh khí quản, đòn ngã tổn thương.

theo: http://www.thaythuoccuaban.com/vithuoc/thonhilan.htm
Lan gấm đất cao
Lan gấm đất cao- Goodyera procera Ker Gawl.) Hook, thuộc họ Lan – Orchidaceae.

  • Mô tả: Ðịa lan cao đến 50cm, mang lá từ gốc lên đến giữa thân. Lá có phiến thon nhọn, dài 10-15cm. Cụm hoa gần như dạng bông hẹp, mang hoa xếp dày đặc, dài 2-4cm, lá đài giữa dính với cánh hoa làm thành mủ, môi dài 2mm, gốc có u, gần như 3 thuỳ, có lông mặt trong, bầu không lông, dài 4-5mm.
  • Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Goodyerae Procerae.
  • Nơi sống và thu hái: Loài phân bố từ Xri Lanca, Ấn Ðộ, Mianma, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin, Inđônêxia và các nước Ðông Dương. Ở nước ta, cây mọc rải rác trong các rừng ẩm thưa, nhiều mùn từ Bắc vào Nam từ vùng núi cao đến các vùng trung du, đồng bằng có gặp ở Lào Cai, Hà Giang qua Thừa Thiên – Huế tới Ninh Thuận.
  • Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng khư phong trấn kinh, trừ ho chặn suyễn, tiêu thũng lợi niệu, khư phong thấp.
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Trung Quốc, cây được dùng trị viêm khí quản, viêm nhánh khí quản, háo suyễn (hen khan) phong thấp đau xương tê liệt, viêm nhiễm đường niệu, đau dạ dày.
Lan giáng hương
Lan giáng hương, Giáng xuân – Aerides falcata Lindl thuộc họ Lan – Orchidaceae.

  • Mô tả: Lan bì sinh, không có hành giả, thân dài cao đến 15cm. Lá hình dải dài 25-30cm, rộng 2-4cm, chia 2 thuỳ không cân và thõng với một mũi nhọn ở giữa, dai, màu mốc ở trên, khía lục sẫm ở dưới. Cụm hoa thõng, cũng dài gần bằng lá; hoa rộng 2,5-4cm, thành chùm khá thưa, cánh hoa trắng với một đốm tía ở đầu, môi có 2 thuỳ bên tim, hình lưỡi liềm, thuỳ giữa tía to,
  • chẻ đôi, bìa mép mịn, móng dài 1cm. Quả nang dài 4cm. Ra hoa tháng 4-6, quả tháng 8-10.
  • Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Aeridis Falcatae.
  • Nơi sống và thu hái: Cây mọc phổ biến từ Bắc chí Nam, tập trung ở dọc dãy Trường Sơn, vùng Tây Nguyên (Kontum) Ðắc Lắc, Lâm Ðồng đến Ðồng Nai, Kiên Giang. Cũng được trồng nhiều ở Ðà Lạt vì có hoa đẹp và có hương thơm.
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp: Theo Poilane, cây được dùng sắc nước cho trẻ em bị gầy yếu suy dinh dưỡng uống. Ở Campuchia, dùng làm thuốc hạ nhiệt. Lá hơ nóng ép cho ra nước, nhỏ vào tai chữa nhọt trong tai.
Lan hạc đính
Lan hạc đính- Phaius tankervillae (Banks ex L’Hér) Blunne, thuộc họ Lan- Orchidaceae.


  • Mô tả: Ðịa lan to, có củ. Lá như xếp dọc, màu lục nhạt. Chùm hoa đứng, cao 30-50cm, dẹp, lá bắc to, trắng mau rụng, hoa to, rộng 10cm, bầu và cuống dài 2-3cm, phiến hoa trắng mặt ngoài, nâu mặt trong, môi đỏ có sọc vàng và 2 sóng nhỏ, cột trắng.
  • Nơi sống và thu hái: Loài của Xri Lanca, Ấn Ðộ, Nêpan, Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia, Bắc úc châu và quần đảo Tây Thái Bình Dương. Ở nước ta gặp mọc hoang ở Thừa Thiên-Huế, Kontum, Lâm Ðồng (Ðà Lạt), Ðồng Nai (Biên Hoà) ngoài ra cũng thường được trồng ở một số địa phương trên.
  • Tính vị, tác dụng: Vị hơi cay, tính ấm; có tác dụng thanh nhiệt trừ ho, trục đờm, hoạt huyết, chỉ huyết.
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Trung Quốc, người ta dùng thân củ để trị ho có nhiều đờm, lạc huyết đòn ngã viêm tuyến vú, ngoại thương xuất huyết.
  • Lương y Lê Trần Ðức cho biết lá dùng làm thuốc tiêu mụn nhọt, lợi tiểu, sát trùng, trừ chất độc, chữa đau tức, lậu, bạch trọc.
Lan hài đốm
Lan hài đốm, Mỏ giày – Paphiopedilum concolor (Lindl.) Pfitz, thuộc họ Lan – Orchidaceae.

  • Mô tả: Ðịa lan mọc thành bụi, không có thân. Lá mọc so le, phiến thuôn dài, có vân trăng trắng, mặt dưới đo đỏ. Cuống cụm hoa ngắn (5cm) lá bắc ngắn hơn bầu; hoa vàng tươi có đốm đỏ, rộng 5-7cm, cánh hoa xoan rộng, có rìa lông đen; môi dài 4cm, nhị sinh sản 2, nhị lép vàng có đốm đỏ. Hoa nở vào mùa xuân.
  • Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Paphiopedili Concoloris.
  • Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc nhiều trong các hốc trên núi đá vôi và có rải rác từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội vào tới thành phố Hồ Chí Minh. Cũng thường được trồng làm cảnh.
  • Tính vị, tác dụng: Vị đắng, chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt tán ứ, tiêu thũng giải độc.
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Trung Quốc, người ta dùng cây trị rắn cắn, lở ghẻ, đòn ngã.
Lan kiếm
Ðoản kiếm nâu, Lan hoa, Hoa lan tàu, Đai giáp – Cymbidium ensifolium (L.) Sw, thuộc họ Lan- Orchidaceae.

  • Mô tả: Loài địa lan cao 50-90cm, mọc thành bụi dày, gốc dạng sợi, có rễ dày hình trụ. Lá 3-12 cái thì tiêu giảm thành bẹ nhọn, những cái khác có phiến hình dải, dài 60-75cm, rộng 8-15mm, có mũi ngắn, thon, hẹp dài thành một cuống rộng phình ra thành bẹ. Cán hoa dài 25-40cm có gốc, gần như dẹp, mang hoa ở 15-18cm, phía ngọn, hoa 4-8, màu vàng xanh có tâm nâu và chấm đỏ, phiến hoa hẹp, môi hình đàn vĩ cầm có bớt đỏ. Quả nang dài 4-6cm. Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Cymbidii Ensifolii.
  • Nơi sống và thu hái: Loài của Ðông Bắc Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia. Thường gặp trên các đụn mối vùng bình nguyên đến cao nguyên, từ Lao Cai, Hoà Bình đến Kontum, Lâm Ðồng.
  • Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thu hái hoa để nấu nước rửa mắt. Lá được sử dụng như thuốc lợi tiểu. Rễ được dùng phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ phổi, trị ho.


Theo sách Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh
 
Lan Bletilla striata
Đây là loài sống trên cạn, trên vùng cỏ đồi dốc, thường ở nơi có đất cát. Chúng trổ hoa muộn trong khoảng mùa xuân đến mùa hè. Hoa có màu từ tím nhạt đến tím đậm, với cánh hoa và đài hoa tương tự nhau, môi hoa có gợn sóng.

Có nhiều nơi trên thế giới đã nghiên cứu dùng lan này làm thuốc và cũng đã có sản phẩm được bán trên thị trường Trung Quốc (với tên thương hiệu là Baiji). Củ của chúng được dùng để trị bệnh lao, bệnh ho ra máu, dạ dày, và loét tá tràng, chảy máu, và nứt da ở chân tay. Ở Trung Quốc, Mongolia, Nhật Bản dùng củ của nó để điều trị mủ vết thương, phỏng, áp xe, u ác tính, loét và ung thư vú. Củ cũng được dùng như là thuốc làm dịu chứng viêm, thuốc long đờm. Lấy củ đem đun hoặc làm khô dùng trong điều trị chứng đầy hơi, bệnh lỵ, sốt, u ác tính, rối loạn dạ dày ruột, bệnh trĩ, cụm nhọt, sốt rét, các bệnh về mắt, bệnh ecpet mảng tròn, các khối u, và hoại tử, lao, nôn ra máu, bệnh bụi phổi, viêm, chảy máu trong,…Rễ của chúng được tán nhuyễn thành bột hòa với dầu được dùng như để làm thuốc cho các bệnh về da và bỏng. Sử dụng cả cây lan làm thuốc bổ và trị bệnh bạch đái, bệnh ho ra máu và ho có đòm. Lá được thu nhận vào mùa thu dùng để trị bệnh về phổi. Ở Việt nam, phần giả hành được dùng để trị bệnh lao, và những bệnh khác liên quan đến phổi, làm thuốc giảm đau do bỏng.
Lan Dendrobium Sw ( Shih-hu)
Shih-hu là thuật ngữ được dùng để diễn tả tất cả loài Dendrobium và vài loài Flickingeria ở Trung quốc. Ở Nhật Bản, dùng Dendrobium làm thuốc dễ tiêu. ở Hàn Quốc, những loài này dùng trong điều trị bệnh liệt dương. Loài lan được sư dụng phổ biến nhất là Dendrobium nobile Lindl. Đây là loài thuộc nhóm thực vật trên cạn phát triển ở điều kiện ấm như Ấn độ, Nepal, Bhutan, Myanamar, Thái lan, Lào, Việt Nam. Hoa có kích thước trung bình khoảng 7.5cm


Nó được dùng làm thuốc bổ và thuốc tăng lực, tăng tuổi thọ và kích thích tình dục. Thân của chúng được dùng để làm dịu cơn khát, làm giảm tình trạng căng thẳng, bồn chồn; ngoài ra nó còn dùng để dưỡng bệnh và làm giảm tình trạng khô môi. Ngoài ra, nó còn có đặc tính dùng làm thuốc dễ tiêu, chữa bệnh đau ngực, thuốc chống viêm, thuốc làm giảm đau, thuốc hạ sốt, bệnh thấp khớp.
Lan Gastrodia elate Blume
Chi Gastrodia R Br được phát hiện ở Madagascar, vùng nhiệt đới châu Á, Nhật Bản, Trung quốc và Liên xô củ, gồm có 20 loài. Loài lan này phát triển ở vùng cát mùn, hoặc ven rìa rừng vùng lá rộng, tùng bách hay hỗn tạp. Loài này ký sinh trên loài nấm Armillaria melea (Vahl) Quel.


Ở Trung Quốc, Củ của Gastrodia elate được dùng làm thực phẩm, nguyên liệu hay năng lượng. Còn rễ, than được dùng để trị bệnh đau đầu, chóng mặt, tình trạng tê cóng chân tay, liệt nửa người, chứng động kinh, chuột rút chân tay, sự co thắt, chứng đau nửa đầu, loại khí độc, bệnh thấp khớp, chóng mặt, chứng đau dây thần kinh, chứng đau lưng, sốt. Nó còn được dùng để gia tăng trí nhớ. Hiện có 2 sản phẩm được bày bán trên thị trường Trung Quốc bắt nguồn từ lan này là thuốc viên với tên thương hiệu là Tienma Mihuan Tablets, dung trong điều trị các bệnh thấp khớp, đau đầu, tê liệt tay chân và chóng mặt, cải thiện giấc ngủ và sức khỏe,…Sản phẩm thứ hai là thuốc viên bao nang Tian Ma Duo Zhong Wan (Gastrodiae Capsules) dùng để kích hoạt sự tuần hoàn máu, bệnh đau đầu, chóng mặt, đau cơ hay xương, cải thiện sức khỏe mà không gây tác dụng phụ nào.
Ở Hàn Quốc, củ được dùng dể trị những bệnh rối loạn thần kinh, ngăn ngừa cảm cúm và làm thuốc bổ. Ở Đài Loan, lan được dùng làm thuốc bổ trị hệ thần kinh và đau đầu.
Lan Dichaea Lindley
Giống này có khoảng 40 loài Dichaea ở vùng Tây ấn và nam Trung Mỹ nhiệt đới. Tất cả đều là thực vật biểu sinh.


Chúng được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng mắt, viêm màng kết. Chẳng hạn như Dichaea muricata (Sw) Lindley.
Lan Oncidium Swartz
Có 50 loài thuộc chi này, dùng trong điều trị các vết thương, chẳng hạn như Oncidium pusillum.


Lan Masdevallia Ruiz et pavon
Có khoảng 350 loài của chi này, tất cả đều là biểu sinh, và phân bố từ Mexico đến Trung Mỹ và Brazil. Hầu hết, chúng tập trung vùng Ecuador và Peru. Lan này hiện diện ở những khu rừng ẩm ướt, lạnh, rừng che phủ.


Thân của loài Masdevallia sp. được dùng làm trà lợi tiểu cho phụ nữ mang thai và làm giảm viêm nhiễm ở bàng quang.
Lan Epidendrum Linnaeus:
Có khoảng 500 loài Epidendrum phân bố ở vùng đông nam nước Mỹ và vùng Caribean. Hầu hết chúng là loài biểu sinh, thuộc bộ Epidendreae, bộ phụ Laeliinae. Đã có hơn 50 loài đã được thuần dưỡng.


Chất nhày từ giả hành của Epidendrum sp. được dùng để điều trị các vết thương ở môi.
Lan Eriopsis Lindley:
Có khoảng 5 loài Eriopsis được tìm thấy ở miền Bắc Costa Rica đến Peru và Brazil, chúng thuộc phân lớp Epidendroideae, bộ phụ Eriopsis. Đặc điểm của chi này là có giả hành lớn hình trụ, màu đen mang 2-3 lá.


Thân của giống lan này được dùng để lấy dịch chiết chất nhày có tác dụng trong điều trị các vết thương ở răng lợi và màng nhày ở miệng.
Lan Phragmipedium Rolfe
Chủ yếu phân bố ở vùng nam mỹ nhiệt đới, Brazil; phát triển điều kiện ấm đến lạnh trong rừng cây che phủ, đất mùn. Loài Phragmipedium ecuadorense Garay được sử dụng như trà để làm dịu những rối loạn của dạ dày.
Lan Elleanthus Presl
Có 50 loài lan Elleanthus sp. phân bố vùng Tây ấn và nhiệt đới. Hoa của chúng được dùng làm hương liệu.
Mặc dù là Việt nam có lợi thế rất lớn về nguồn lan phong phú và đa dạng, tuy nhiên chúng vẫn còn chưa được chú ý về đặc tính dược lý của chúng, chúng chỉ được dùng chủ yếu cho mục đích trang trí. Một nguồn thảo dược vẫn còn chưa được khai thác và ứng dụng trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con người.
———————–
Hoa phong lan trị đầy hơi, chán ăn
Không chỉ đẹp, hoa phong lan còn là một vị thuốc quý, giúp cải thiện tình trạng chán ăn, đầy hơi hoặc người gầy mòn do khí huyết hư hao.
Hoa phong lan còn được Đông y dùng chữa chứng miệng, họng khô do thiếu tân dịch dẫn đến chán ăn, mắt mờ, xương khớp sưng đau, người háo, bứt rứt khó chịu, sốt nóng…
Trị chứng người gầy mòn, hư hao khí huyết: Lấy 6 gr hoa phong lan, 4 gr đỗ trọng, 4 gr đẳng sâm, 4 gr mạch môn đông, 4 gr câu kỷ tử, 4 gr ngũ vị tử, 4 gr ngưu tất, 4 gr trích cam thảo. Tất cả các vị trên rửa sạch, cho vào ấm, đổ 300 ml sắc kỹ, còn 200 ml chia làm ba lần uống trong ngày.
Trị chứng đầy hơi, chán ăn, ho, sốt: Lấy 6 gr hoa phong lan, 4 gr trần bì (vỏ quýt), 4 gr mạch môn, 4 gr tỳ bà diệp. Các vị trên rửa sạch, cho vào ấm đổ 300 ml nước, sắc kỹ còn 200 ml chia uống làm ba lần. Uống hết trong ngày.
Theo BS Nguyễn Thị Nhân
Báo Đất Việt

Nhận xét