Tê giác Java

te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-1te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-2te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-3te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-4te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-5te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-6te-giac-java-rhinoceros-sondaicus-7
Tên thường gọiTê giác Java
Tên khoa họcRhinoceros sondaicus
GiớiAnimalia
NgànhChordata
LớpMammalia
BộPerissodactyla
HọRhinocerotidae
ChiRhinoceros
LoàiR. sondaicus

Tê giác Java hay tê giác Sunda, còn được gọi tê giác một sừng là một trong năm loài động vật guốc lẻ còn sống sót của họ Tê giác.

Trước kia là loài phổ biến nhất trong các loài tê giác châu Á, tê giác Java từng phân bố ở các đảo của Indonesia, trải rộng toàn bộ Đông Nam Á, tới cả Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện nay chúng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, với chỉ hai quần thể được ghi nhận trong môi trường tự nhiên và không có con nào trong các vườn thú. Nó có thể là loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên thế giới. Một quần thể có ít nhất 40 con sống tại Vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java của Indonesia, và quần thể còn lại được xác nhận là đã tuyệt chủng ở Việt Nam vào năm 2011. 

Sự suy giảm của loài này được cho là do việc săn bắt trộm, chủ yếu để lấy sừng, một loại dược liệu có giá trị cao trong y học phương Đông truyền thống và có thể bán được với giá lên tới 30.000 đôla một kg tại các chợ đen. Sự thu hẹp nơi cư trú, đặc biệt do hậu quả chiến tranh, như Chiến tranh Việt Nam tại Đông Nam Á, cũng góp phần làm suy giảm và cản trở việc khôi phục loài. Sự phân bố hiện nay chỉ tập trung ở hai khu bảo tồn quốc gia, tuy nhiên những con tê giác Java vẫn còn đang gặp nguy hiểm bởi sự săn trộm, bệnh tật và sự giảm sút đa dạng di truyền gây ra bởi giao phối cận huyết.

Tê giác Java - Rhinoceros sondaicus (1)
Màu hồng đào: Đã từng có
Màu đỏ: Hiện còn bảo tồn
Loài tê giác Java có thể sống đến khoảng 30–45 năm trong điều kiện hoang dã. Trong quá khứ chúng đã từng sinh sống trong những rừng mưa vùng đất thấp, vùng đồng cỏ ẩm ướt và các bãi bồi triền sông rộng lớn. 

Loài tê giác Java hầu hết thời gian sống đơn độc, trừ khi kết đôi và nuôi dạy tê giác con, dù rằng thỉnh thoảng chúng có thể tập hợp thành bầy gần các bãi đằm hay bãi liếm đất mặn. Con người là kẻ đi săn duy nhất các con tê giác trưởng thành. 

Chúng thường tránh xa con người, nhưng có thể sẽ tấn công nếu cảm thấy nguy hiểm. Các nhà khoa học và bảo tồn học hiếm khi nghiên cứu chúng trực tiếp, vì độ hiếm có của chúng và nguy cơ có thể can thiệp vào một loài sinh vật đang nguy cấp. Họ thường dựa vào những bẫy ảnh tự động và các mẫu phân để đánh giá sức khỏe và hoạt động của các con tê giác. Chính vì vậy, tê giác Java vẫn là loài được nghiên cứu ít nhất trong tất cả các loài tê giác hiện nay.

Đặc điểm

Chiều dài cơ thể của tê giác Java (bao gồm cả đầu) có thể lên đến 3,1–3,2 m và chiều cao là 1,4–1,7 m. Khi trưởng thành, chúng có cân nặng khác nhau, dao động từ 900 đến 2.300 kg. Không có sự khác biệt kích cỡ đáng kể nào giữa hai giới, nhưng con cái có thể to hơn con đực một ít.

Tê giác Java có một sừng. Sừng của chúng nhỏ hơn tất cả những loài tê giác còn tồn tại khác, thông thường dài chưa đến 20 cm và chiếc sừng dài nhất được ghi nhận cũng chỉ là 27 cm. Chúng dường như không thường xuyên dùng sừng để tấn công, thay vì thế chúng sử dụng sừng để cạo bùn trong những bãi đầm, hạ đổ cây xuống để kiếm ăn, hay mở đường đi qua những bụi cây cối rậm rạp. Giống với những loài tê giác ăn cành lá khác (tê giác đen, Sumatra và Ấn Độ), tê giác Java có môi trên dài, nhọn giúp cho việc lấy thức ăn. Những răng cửa dưới thì dài và sắc, được chúng sử dụng trong chiến đấu. Sau răng cửa, có hai hàng sáu chiếc răng hàm dưới vây quanh để nhai các thực vật thô. Giống như những tê giác khác, chúng có khả năng ngửi và nghe tốt nhưng lại có thị giác rất kém. Tuổi thọ của tê giác Java khoảng từ 30-45 năm.

Bộ da của chúng không lông, có màu xám lốm đốm hay nâu xám, được phủ thành từng nếp gấp xung quanh vai, lưng và mông. Bộ da có cấu trúc khảm tự nhiên giúp tạo cho những con tê giác một lớp vỏ ngoài bảo vệ như một bộ áo giáp.

Hoạt động

Tê giác Java - Rhinoceros sondaicus (4)Tê giác Java là loài động vật sống đơn độc, ngoại trừ những cặp giao phối và mẹ cùng con non. Thỉnh thoảng chúng sẽ tập hợp thành những nhóm nhỏ ở các bãi liếm đất mặn và bãi bùn. Ngâm mình trong bùn là hoạt động thường thấy của tất cả các loài tê giác, việc này cho phép chúng duy trì nhiệt độ cơ thể luôn mát mẻ và giúp chúng chống được bệnh tật và sinh vật ký sinh. 

Tê giác Java thông thường không tự đào bãi ngâm bùn của riêng chúng, mà thích sử dụng bãi ngâm của những con vật khác hay các hố xuất hiện tự nhiên, được chúng dùng sừng để mở rộng. Những bãi liếm đất mặn cũng rất quan trọng với chúng bởi đây là nơi cung cấp các chất khoáng thiết yếu. Phạm vi chỗ ở của những con đực rộng hơn, khoảng 12–20 km², so với con cái ở khoảng 3–14 km². Sự chồng lấn lẫn nhau về lãnh thổ của những con đực ít hơn những con cái, tuy nhiên người ta vẫn chưa được biết về những cuộc tranh giành lãnh thổ nếu có.

Những con đực đánh dấu lãnh địa của chúng bằng phân và nước tiểu. Những vết cào trên mặt đất bằng chân và những cây con bị vặn cũng có thể được sử dụng cho mục đích thông tin. Những loài tê giác khác thường có tập tính đặc biệt: thải những cục phân lớn ra ngoài và sau đó cạo phân bằng chân sau. Loài tê giác Java và Sumatra khi thải phân ra lại không có hành động như vậy. Sự thích nghi trong hành vi này được cho là do sinh thái ở những cánh rừng ẩm ướt tại Java và Sumatra, khiến phương pháp này không đạt hiệu quả cho việc phát tán những mùi hương đánh dấu.

Tê giác Java phát tiếng kêu ít hơn nhiều so với tê giác Sumatra, có rất ít tiếng tê giác Java từng được ghi lại. Những con trưởng thành không có kẻ địch nào được biết đến ngoài con người. Loài này, đặc biệt ở Việt Nam, rất nhút nhát và thường trốn chạy vào trong rừng rậm mỗi khi con người tới gần. Dù điều này là đặc điểm rất hữu ích khi đứng trên quan điểm bảo tồn, nhưng nó lại gây khó khăn cho việc nghiên cứu chúng. Tuy nhiên, khi con người tiếp xúc quá gần, chúng có thể trở nên hung dữ và sẽ tấn công; chúng sẽ cắn bằng răng cửa hay hàm dưới và dùng đầu húc mạnh lên phía trên. Hoạt động sống khép kín tương đối phản xã hội của tê giác Java có thể là sự thích nghi gần đây với các áp lực quần thể; bằng chứng lịch sử đã cho thấy, giống như các loài tê giác khác, trước đây chúng đã từng sống thành bầy đàn nhiều hơn.

Chế độ ăn uống

Tê giác Java - Rhinoceros sondaicus (6)Tê giác Java là một loài động vật ăn cỏ. Chúng ăn nhiều loại thực vật khác nhau, đặc biệt thích ăn các bộ phận của cây như chồi, lá non, cành con và quả chín. Hầu hết các loại cây mà chúng ưa thích đều mọc ở nơi nhiều ánh sáng, các khoảng rừng thưa, cây bụi và các thảm thực vật mà không có cây lớn khác. Chúng thường hạ đổ những cây con rồi lấy thức ăn bằng chiếc môi trên cử động được. 

Chúng là loài thích nghi nhất cho việc kiếm ăn ở các loài tê giác. Dù hiện nay, tê giác Java hoàn toàn chỉ là loài ăn cành lá trên cây nhưng chúng đã từng ăn cả cỏ lẫn cành lá trong phạm vi phân bố của chúng trước kia. Hàng ngày, một con tê giác Java ăn khoảng 50 kg thức ăn. Giống như tê giác Sumatra, tê giác Java cũng cần muối khoáng trong khẩu phần. Những bãi liếm mặn, thường có trong khu vực phân bố ngày trước của chúng, lại không có ở Ujung Kulon, nhưng các con tê giác ở đây đã được quan sát khi đang uống nước biển, có thể phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của chúng.

Sinh sản

Những tập tính sinh sản của tê giác Java rất khó để nghiên cứu do chúng hiếm khi được quan sát trực tiếp ngoài tự nhiên lẫn việc không có con nào trong các vườn thú. Những con cái bắt đầu thuần thục sau 3-4 tuổi trong khi đó con đực lại thuần thục ở tuổi thứ 6. Thời gian mang thai của chúng ước lượng khoảng 16-19 tháng. Khoảng cách giữa các lần đẻ con là 4-5 năm; tê giác con bắt đầu cai sữa sau khoảng 2 năm. Bốn loài tê giác còn lại đều có hoạt động giao phối giống nhau và người ta suy đoán rằng ở loài tê giác Java cũng tương tự như vậy.

Nhận xét